Tại Trung Quốc Người_Thái_(Trung_Quốc)

Trong các thư tịch cổ bằng chữ Hán thế kỷ 1, người ta gọi người Thái là Điền Việt (滇越), Đạn Hoặc Thiện (掸或擅), Liêu Hoặc Cưu Liêu (僚或鸠僚). Thời kỳ Đường-Tống gọi là Kim Xỉ (金齿), Hắc Xỉ (黑齿), Hoa Man (花蛮), Bạch Y (白衣). Thời kỳ Nguyên-Minh gọi là Bạch Di (白夷), Bách Di (百夷), Bá Di (伯夷)[2].

Năm 109 TCN, Hán Vũ đế thiết lập quận Ích Châu, vùng đất của người Thái thuộc về quận này. Năm 69, nó thuộc về quận Vĩnh Xương. Thời kỳ Minh-Thanh, người ta bãi bỏ chế độ thế tập (cha truyền con nối) chức vụ thổ tư để đổi sang do một viên lưu quan tạm thời cai quản (chính sách cải thổ quy lưu). Vùng đất của người Thái do triều đình trung ương trực tiếp cai trị. Đến thời kỳ Dân quốc, người ta lập huyện Liễu tại đây, cơ quan quản lý là Liễu cục[2].

Người Thái có một nền văn hóa cổ trên 1.000 năm, được thể hiện như trong bối diệp kinh. Họ cũng có một lịch pháp riêng. Lịch của người Thái lệch so với công nguyên là 638 năm với năm 639 (công nguyên) là năm thứ nhất trong lịch Thái. Lịch của họ là một loại dương lịch, với các tháng theo âm dương lịch. Mỗi năm chia thành 3 quý, từ tháng 1 tới tháng 4 là lãnh quý (quý lạnh), từ tháng 5 tới tháng 8 là nhiệt quý (quý nóng) và từ tháng 9 tới tháng 12 là vũ quý (quý mưa). Về thơ văn, hiện còn lưu lại được có các dạng tự sự trường thi như "Triệu thụ truân dữ nam mã mặc na" (召树屯与楠玛诺娜), "Nga tịnh dữ tang lạc" (娥并与桑洛) là các di sản văn hóa dân tộc quan trọng tại Trung Quốc. Vũ đạo của người Thái khá đa dạng về chủng loại, chủ yếu mô phỏng hoạt động của các loài động vật thường thấy tại địa phương, chẳng hạn như Khổng tước vũ[2].

Lễ hội té nước (hay tết bát thủy) là lễ hội mang đậm tính chất dân tộc của người Thái. Nó là lễ hội năm mới trong lịch của người Thái, nằm trong khoảng từ ngày 6 tháng 6 tới ngày 6 tháng 7 trong lịch của họ, tương đương với tháng 4 dương lịch[2].